PHÒNG GD&ĐT THỚI LAI TRƯỜNG THCS THỊ TRẤN THỚI LAI
Số: 62 /KH-THCS |
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
Thị trấn Thới Lai, ngày 25 tháng 7 năm 2018 |
BÁO CÁO
Kết quả thực hiên Mô hình
“Trường học mới - Công viên - Trải nghiệm”
Năm học 2017 - 2018
Thực hiện Công văn số 749/PGD-ĐT ngày 22 tháng 9 năm 2017, về việc hướng dẫn thực hiện nhiệm vụ giáo dục trung học năm học 2017-2018 của Phòng Giáo dục Đào tạo huyện Thới Lai trong đó giao cho trường THCS thị trấn Thới Lai xây dựng Trường học – Công viên;
Căn cứ vào tình hình thực tế, nhu cầu vui chơi giải trí, trải nghiệm sáng tạo của học sinh. Nay Ban giám hiệu trường THCS thị trấn Thới Lai báo cáo kết quả thực hiên mô hình “ Trường học - Công viên - Trải nghiệm “ như sau;
- 1. Quá trình tổ chức thực hiện.
Trong năm học 2017-2018 nhà trường đã tiến hành Xây dựng mô hình “Trường học mới - Công viên - Trải nghiệm ” và đưa vào sử dụng bao gồm:
1.1. Khu Giáo dục thể chất.
Bao gồm Nhà thi đấu đa năng, sân bóng chuyền, sân bóng đá, khu sân chơi bãi tập; đây là khu để học sinh học thể dục, rèn luyện thể chất, sinh hoạt các câu lạc bộ như: Bóng đá, bóng chuyền, bóng bàn, cầu lông, cầu đá, điền kinh học sinh.. Đặc biệt nhà trường đã lắp đặt 12 dụng cụ tập thể dục ngoài trời, để học sinh vui chơi và rèn luyện thân thể, kinh phí 64.000.000 đồng.
1.2. Khu vui chơi và trải nghiệm sáng tạo.
Nhà trường tận dụng nhà xe khách không sử dụng để cải tạo nâng cấp thành 03 phòng cho học sinh trải nghiệm, kinh phí 50.000.000 đồng:
- Phòng trò chơi dân gian: Chủ yếu dành cho học sinh xả trets, chơi các trò chơi dân gian như: Cờ vua, Cờ tướng, Cờ nhào, Kéo co, Nhẩy dây, nhẩy sạp, Đẩy gậy, Kéo tay và trưng bày sản phẩm KHKT của học sinh…
- Phòng Hội họa – Âm nhạc: Chủ yếu các môn: Âm nhạc, Hội họa.Và trưng bày sản phẩm hay về Hội họa, Âm nhạc của học sinh. Nơi sinh hoạt các câu lạc bộ như: Sân khấu tuổi hồng ca hát với nhau vào ngày thứ 6 hàng tuần, Sân khấu cải lương học đường
- Phòng Ứng dụng khoa học – Trải nghiệm: Chủ yếu cho học sinh học tập dưới dạng tọa đàm, trao đổi, thảo luận nhóm, giúp đỡ nhau cùng tiến bộ, nơi để học sinh nghiên cứu khoa học và trưng bày các sản phẩm K HKT, các bài làm hay sáng tạo của học sinh.
1.3. Khu trồng rau sạch, hoa lan và Bon sai cây cảnh mi ni
Học sinh áp dụng kiến thức đã học, trồng rau sạch, cây cảnh bon sai mi ni, nghiên cứu và áp dụng khoa học kỹ thuật vào trồng trọt…
1.4, Khu chăn nuôi kết hợp xử lý chất thải bằng phương pháp sinh học
Học sinh áp dụng kiến thức đã học vào chăn nuôi gà vịt, chim bồ câu kết hợp với xử lý chất thải bằng phương pháp sinh học.
1.5. Khu trồng thuốc nam.
Nhà trường trồng theo danh mục 70 cây thuốc mẫu, theo quyết định số 4664, ngày 07 tháng 11 năm 2014 của Bộ Y Tế, nhằm giúp học sinh nhận biết một số cây thuốc nam chữa bệnh theo 8 nhóm bệnh hiện nay và có thể áp dụng vào cuộc sống hàng ngày.
- 2. Kết quả đạt được.
- Nhà trường đã xây dung được mô hình “Trường học mới – Công viên – Trải nghiệm”, bao gồm: phòng trò chơi dân gian, phòng hội họa âm nhạc, phòng khoa học trải nghiệm; khu thực nghiệm trồng rau sạch và trồng cây bon sai mini, khu vườn thuốc nam; khu chăn nuôi kết hợp xử lý chất thải bằng phương pháp sinh học; đầu tư kinh phí lắp đặt các dụng cụ thể dục ngoài trời, tạo sân chơi bổ ích giúp học sinh có điều kiện vui chơi mỗi ngày, từ đó đã giúp cho học sinh biết quan sát, biết suy nghĩ và tham gia các hoạt động trải nghiệm thực tiễn, tạo điều kiện cho học sinh tích cực nghiên cứu, tìm ra những giải pháp mới, sáng tạo những cái mới trên cơ sở kiến thức đã học trong nhà trường và những gì đã trải qua trong thực tiễn cuộc sống, từ đó hình thành ý thức, phẩm chất, kĩ năng sống và năng lực cho học sinh.
- Mô hình “Trường học mới – Công viên – Trải nghiệm”, Đây là một hình thức tổ chức của các môn học mà còn là một hoạt động giáo dục thông qua sinh hoạt tập thể, các hoạt động xã hội, các loại hình câu lạc bộ khác nhau; Từ đó giáo viên và học sinh tạo ra 4 nhóm hoạt động tích cực:
+ Hoạt động tự chủ (thích ứng, tự chủ, tổ chức sự kiện, sáng tạo độc lập...);
+ Hoạt động câu lạc bộ (Đoàn,đội, văn hóa nghệ thuật, thể thao, thực tập luyện tập...);
+Hoạt động tình nguyện (chia sẻ quan tâm tới bạn bè, gia đình và những người xung quanh, tham gia bảo vệ môi trường);
+Hoạt động định hướng (tìm hiểu thông tin về hướng phát triển tương lai, tìm hiểu bản thân...
- Qua mô hình đã phát triển năng lực thực tiễn, phẩm chất nhân cách và phát huy tiềm năng sáng tạo của học sinh, nhằm hình thành những thói quen tự phục vụ, kỹ năng học tập, kỹ năng ứng phó với các tình huống có thể xảy ra ở trường, ở nhà và ngoài cuộc sống, kỹ năng giao tiếp cơ bản; các kỹ năng xã hội; ngoài ra, các hoạt động trải nghiệm đã gắn được với chủ đề học tập, từng nội dung bài học, tích hợp được nội dung giáo dục các môn.
- Kết quả cụ thể:
+ Tổ chức được các trò chơi dân gian vào trường học như: Cờ vua, Cờ tướng, Cờ nhào, Kéo co, Nhẩy dây, nhẩy sạp, Đẩy gậy, thu học sinh tham gia;
+ Mở được Câu lạc bộ “Giai điệuTuổi hồng” thi hát với nhau vào thứ 6 hàng tuần; tiếp tục duy trì được dự án sân khấu học đường (sân khấu cải lương) có 16 học sinh tham gia;
+ Tổ chức cho học sinh nghiên cứu Khoa học kỹ thuật, 2 lần/ năm, có 86 sản phẩm, 02 sản phẩm dự thi cấp thành phố;
+ Xây dung được mô hình “Chăn nuôi kết hợp với xử lý chất thải bằng phương pháp sinh học”, đã nuôi được 09 con gà, 08 con bồ câu để học sinh quan sát thực hành, từ đó phát động nhân rộng cho học sinh nuôi ở gia đình mình (02 con gà hoặc vịt/ 01 học sinh);
+ Trồng một vườn rau sạch các loại, 45 chậu hoa lan và mở được một câu lạc bộ Bon sai cây cảnh mi ni có 22 học sinh tham gia (trồng được 36 cây cảnh bon sai các loại);
+ Trồng một vườn thuốc nam 28 cây các loại thuộc 8 nhóm chữa bệnh hiện nay, nhóm cây thông dụng tại địa phương;
+ Từ năm 2013 đến nay nhà trường đã quy hoạch, trồng mới gần 500 cây xanh, cây kiểng, cây bóng mát, trên 3000 m2 thảm cỏ, trồng thêm 100 cây ra hoa các loại và trang bị 12 dụng cụ tập thể dục ngoài trời, tạo ra một ngôi trường xanh - sạch - đẹp, giống như một công viên thu nhỏ.
- Ngoài các mô hình trên trong các tiết dạy giáo viên đã gắn kiến thức với thực tế cho học sinh bằng các hoạt động trải nghiệm, không gò bó các tiết học trên lớp mà có thể đem ra ngoài khu trải nghiệm để giảng dạy.
Ví dụ: + Như môn Ngữ văn lớp 8 có một tiết văn thuyết minh về một di tích lịch sử, giáo viên đã cho học sinh tham quan thực tế Đền Thờ Châu văn Liêm rồi về viết bài thu hoạch;
+ Môn mỹ thuật giáo viên cho học sinh ra vườn trường, dưới gốc cây, thảm cỏ để vẽ; Môn anh văn giáo viên cho học sinh trải nghiệm ẩm thực các món ăn ngày tết giới thiệu bằng tiếng Anh…
+ Môn sinh hoc 6 bài sự nẩy mầm của cây, sau khi cung cấp kiến thức trên lớp, giáo viên cho học sinh thực hiện phần thực hành tại khu trải nghiệm trồng rau sạch… Đây cũng là các hình thức giúp học sinh học tốt hơn.
+Tổ chức cho học sinh đọc sách tại thư viện, thư viện xanh, khu trải nghiệm, 2 lần/tháng, vào các buổi hoạt động ngoài giờ lên lớp, buổi lao động của lớp, giúp các em thói quen đọc sách; Phát động phong trào “chiến sỹ môi trường”, tổ chức diễn dàn “những điều em muốn nói”, thu hút hàng trăm ý kiến đóng góp xây dựng nhà trường.
- 3. Đánh giá chung, bài học kinh nghiệm.
- Mô hình “Trường học mới - Công viên - Trải nghiệm”, đáp ứng nhu cầu học tập của học sinh và yêu cầu của xã hội; giúp học sinh năng động, có năng lực sáng tạo, năng lực thực hành, năng lực ngoại ngữ và tin học; đáp ứng nhu cầu nhân lực, nhất là nhân lực phục vụ địa phương sau này;.
- Nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện Học sinh theo 5 tiêu chuẩn người Cần Thơ “ Trí tuệ - Năng động - Nhân ái - Hào hiệp - Thanh lịch”:
+ Đạo đức: Giáo dục học sinh những giá trị đạo đức cơ bản phù hợp với nền văn hóa dân tộc như yêu nước, trung thực, có lòng nhân ái, sống có trách nhiệm với bản thân, gia đình và xã hội; ý thức chấp hành luật pháp và những giá trị đạo đức mang tính cộng đồng như ý thức bảo vệ môi trường tự nhiên và xã hội; tinh thần đoàn kết ...
+ Tri thức: Được trang bị những kiến thức về khoa học tự nhiên, khoa học xã hội và nhân văn; những kỹ năng thực tế để làm chủ cuộc sống bản thân và hòa nhập cộng đồng; kỹ năng ngoại ngữ, kỹ năng tin học kỹ năng nghiên cứu, tìm tòi về khoa học; kỹ năng ứng dụng lý thuyết để giải Quyết những vấn đê nảy sinh trong thực tế.
+ Sức khỏe: Học sinh được hướng dẫn để hiểu biết về thân thể; việc giữ gìn và bảo vệ sức khỏe; việc rèn luyện để tăng cường thể chất; cách phòng chống dịch bệnh và bảo vệ sức khỏe trong tình trạng ô nhiễm môi trường sống xung quanh.
+ Thẩm mỹ: Được trang bị những kiến thức cơ bản về âm nhạc, hội họa,... hướng dẫn học sinh biết hưởng thụ văn hóa, thẩm mỹ; biết cảm nhận cái đẹp từ đó nâng cao giá trị tinh thần.
+ Tác phong công nghiệp, nhanh nhẹn, có tính kỷ luật, tính tự giác như anh Bộ đội cụ Hồ;
Một trong những hiệu quả tích cực của mô hình là góp phần tạo diện mạo trường lớp khang trang, sạch đẹp, an toàn và lành mạnh. Sau khi thực hiện, mô hình “Trường học mới - Công viên – Trải nghiệm” đã nhận được sự tham gia nhiệt tình của thầy cô, học sinh, sự đồng thuận của phụ huynh và các tầng lớp xã hội.
4. Đề xuất, kiến nghi: Phòng Giáo dục - Đào tạo và các ngành chức năng nên hỗ trợ một phần kinh phí để nhà trường thực hiện tốt mô hình trên./.
Nơi nhận: HIỆU TRƯỞNG
- Phòng GD&ĐT (báo cáo);
- UBND thị trấn Thới Lai (báo cáo);
- BLĐ nhà trường (thực hiện);
- Tổ trưởng các tổ CM & CBGV;
- Lưu: VP.