ĐỀ TÀI: “ LÀM THẾ NÀO ĐỂ GIÚP HỌC SINH YẾU CÓ THÁI ĐỘ HỌC TẬP TỐT”
*************************
I. ĐẶT VẤN ĐỀ:
Trong một lớp học bao giờ cũng có ba thành phần học sinh: Khá giỏi, trung bình, yếu kém. Thành phần học sinh trung bình , yếu kém là những em không chú tâm vào việc học. Vào lớp, các em thường nói chuyện, không chú ý nghe giảng bài, không thuộc bài, và không làm bài, thậm chí là thường xuyên không ghi bài. Đó là điều giáo viên rất đau đầu khi đứng trước một tập thể lớp như vậy. Bởi vì các em là những học sinh cá biệt về giới tính, cá biệt về sự tiếp thu kiến thức, ảnh hưởng đến quan tâm của gia đình, xã hội, thành phần tác động của bạn bè bên ngoài của các em. Do đó, những vấn đề giáo dục đạo đức, giáo dục động cơ học tập, và phương pháp kĩ năng tự học của học sinh là những cấp bách cần giải quyết trong gia đình và nhà trường. Vì vậy, nhiệm vụ của một người giáo viên đứng lớp rất là quan trọng. Phải làm sao giúp học sinh có đầy đủ kiến thức để làm hành trang khi bước vào đời.
II/ GIẢI QUYẾT VẤN ĐỀ:
Bước vào năm học mới 2011 – 2012 tôi được phân công dạy 4 lớp 9 ở bộ môn toán, sau những tuần đầu giảng dạy, tôi thấy các em học rất yếu, cả 4 lớp không có học sinh nào là giỏi môn toán cả. Bởi vì những học sinh giỏi đã được nhà trường chuyển qua lớp chọn, để tiện việc bồi dưỡng học sinh giỏi. Vì học yếu, nên khi vào lớp các em không chú tâm gì vào việc học cả, thường xuyên nói chuyện gây mất trật tự, chọc ghẹo bạn bè…Qua kiểm tra chất lượng đầu năm có 94/156 học sinh dưới trung bình. Đó là con số không phải nhỏ. Do đó, tôi đã tiến hành các biện pháp như sau:
1/ Mời tất cả những học sinh có điểm yếu lại để trao đổi, tìm hiểu nguyên nhân
Tôi cho học sinh nêu rõ nguyên nhân yếu kém của mình, mất căn bản từ lớp nào? Có kiến thức nào chưa tiếp thu được, vào một tờ giấy. Sau khi tổng hợp lại có 30 học sinh mất căn bản từ cấp 1, cộng , trừ nhân , chia điều không biết làm. Thậm chi không thuộc bảng cửu chương, 40 em mất căn bản từ các lớp 6,7,8, các em không biết qui đồng mẫu số, không biết chứng minh bài toán hình học. 24 em lo mê chơi lười học, gia đình không quan tâm, nên các em lơ đễnh trong việc học.
2/ Tăng cường vai trò của cha mẹ trong giáo dục con cái:
Tôi đã mời tất cả quý phụ huynh có con em học yếu lại để trao đổi, tôi đã nêu lên mặt hạn chế của từng em để phụ huynh nắm. Bởi vì gia đình phải là chủ thể, hoàn toàn phải tự chủ trong giáo dục con vì tương lai con cái và hạnh phúc gia đình trong thời đại đầy những biến động với những cơ hội và thách thức lớn. Cha mẹ nên tiếp cận với con mình nhiều hơn, gần gũi, chia sẽ với những khó khăn, những vướng mắc mà con mình gặp phải. Cha mẹ phải động viên khích lệ tinh thần học tập của các con. Có như thế các em mới thấy mình không bị bỏ rơi. Từ đó chú tâm vào việc học. Vì vậy, chính cha mẹ học sinh phải thực sự cùng nhà trường tham gia vào việc giáo dục con em mình.
3/Nhận biết đầy đủ những thay đổi tâm sinh lí của học sinh trong quá trình phát triển.
Nếu giáo viên có nhận biết đầy đủ về những diễn biến tâm sinh lý, tính cách của học sinh trong quá trình phát triển thì các em sẽ có những tác động tích cực, phù hợp, tạo lập được nhiều hoạt động học tập có hiệu quả hơn, đồng thời hạn chế những yếu tố gây cản trở việc học tập tích cực, sáng tạo của học sinh
4. Giúp học sinh ý thức về năng lực và khả năng tự học
Học sinh rất nhạy cảm với những đánh giá của giáo viên, cha mẹ, bạn bè, về khả năng tự học của mình. Do đó, tôi thường xuyên khen ngợi kịp thời những tiên bộ của học sinh dù là tiến bộ nhỏ. Cũng cần lưu ý, đừng quá nhấn mạnh vào khả năng của học sinh hơn là sự tiến bộ của chúng thì những học sinh kém khả năng sẽ đối phó với người lớn bằng cách “ quay cóp” với mong muốn không bị coi là kém cỏi hay tụt hậu so với bạn bè’
5/ Giúp học sinh hiểu rõ ý nghĩa và mức độ khó của nhiệm vụ học tập
Giáo viên cần cho HS hiểu rõ ý nghĩa của việc học tập, mức độ khó của nhiệm vụ được giao. Khi thấy việc học có ý nghĩa với bản thân, gia đình và xã hội, HS sẽ có quyết định tham gia tích cực vào việc học tập. Khi soạn bài, tôi đã cá biệt hoá yêu cầu, đa dạng hoá phương pháp đặt câu hỏi, kiểm tra…để đáp ứng khả năng khác nhau của nhiều HS. Đây cũng là một thách thức đối với tôi để thúc đẩy học sinh học tập.
6/ Tạo cơ hội cho HS chủ động trong học tập
Dù ở lứa tuổi nào, HS cũng luôn có quyền kiểm soát về thời gian và cách thức tham gia hoạt động. Bởi vậy, tôi đã sớm hình thành cho học sinh các kĩ năng xây dựng mục tiêu và thông qua những việc làm cụ thể cho phép học sinh lập các mục tiêu ngắn hạn, có thể thúc đẩy tính chủ động và quyết đoán của HS. Cần tạo cơ hội cho HS bộc lộ trách nhiệm và ưu tiên quyền lựa chọn cao hơn đối với sự tiến bộ của mình. Để phát huy tinh thần trách nhiệm của HS, tôi hướng dẫn cách tự đánh giá quá trình học tập và tự củng cố, điều chỉnh cách học cho phù hợp với bản thân, đồng thời biết nhận xét đánh giá việc làm bài của bạn
7/ Tạo cho HS có sự gắn bó với tập thể lớp trong các giờ học trên lớp
Tôi cho HS luôn ý thức được rằng, mình là một thành viên trong tập thể lớp. Mỗi hành vi của bất kì một HS nào cũng đều ảnh hưởng đến kết quả học tập, rèn luyện của lớp. Trong lớp học , không để có một HS nào cảm thấy bị cô độc, bị phân biệt là HS yếu kém, bị bỏ rơi mà tạo bầu không khí ủng hộ và tôn trọng. Mối quan hệ bạn bè tích cực sẽ động viên kịp thời cho những HS học yếu, tạo cơ hội cho các em tham gia vào các hoạt động tập thể như: học nhóm, tham gia các hoạt động ngoài giờ lên lớp. Cần ủng hộ và quan tâm đến HS thường xuyên trong suốt tiết học cả về trí tuệ và tính cách. Kịp thời chỉnh sửa những sai trái của HS. Nếu nhận được sự phản hồi tích cực, HS sẽ nhiệt tình tham gia tốt vào việc học.
- 8. Cần bộc lộ sự quan tâm và kì vọng cao đối với học sinh
Khi HS thấy được nhà trường, thầy cô giáo và cha mẹ quan tâm ủng hộ, HS có thể hoàn toàn yên tâm phát huy và mạnh dạn hơn trong học tập cũng như trong các quan hệ. Duy trì kì vọng cho học sinh là một cách GV bộc lộ sự quan tâm của mình tới HS. Thông qua việc tin tưởng đánh giá đúng HS và đưa ra kì vọng cao, GV có thể khẳng định khả năng của HS. HS càng được yêu cầu cao bao nhiêu, càng nỗ lực bấy nhiêu và càng tỏ ra tự tin hơn vào khả năng của mình trước những nhiệm vụ đầy thách thức. Quan tâm đến tâm tư, tình cảm của học sinh là nền tảng thúc đẩy động cơ và sự tham gia học tập của học sinh một cách thuận lợi.
- 9. Tăng cường vai trò của hiệu trưởng trong quá trình quản lý:
Nếu được hiệu trưởng quan tâm, phối hợp sáng tạo trong các hoạt động, GV sẽ tạo hứng thú tìm hiểu và tham gia học tập cho HS. Trước hết, cần thông qua kế hoạch nhằm thúc đẩy hứng thú dạy học và giáo dục trong nhà trường. Khuyến khích sự sáng tạo, đổi mới nội dung, phương pháp giảng dạy, giáo dục của GV. Ban giám hiệu có thể kiểm soát hành vi học tập của học sinh thông qua các nội qui để có biện pháp giáo dục. Hiệu trưởng lựa chọn đối tượng khen thưởng hay biểu dương để khuyên khích động cơ học tập cho những học sinh yếu kém nhưng đã có nhiều cố gắng, có tiến bộ tuy không có khả năng đạt điếm cao bằng những HS khá giỏi. Phối hợp hài hoà giữa biểu dương, khen thưởng sự nỗ lực và thành tích cao của các HS giữa các khối, lớp. Chú trọng hơn đến những HS có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn để HS có điều kiện quan tâm, giúp đỡ lẫn nhau. Định hướng cho các giáo viên khi phân nhóm học tập hay hoạt động tập thể của HS, Tránh tạo ra những nhóm thuần nhất. Nhóm pha trộn, hỗn hợp khả năng về nhiều mặt sẽ giúp các em cải thiện mối quan hệ giữa HS nam và HS nữ. Việc học tập nhóm cần có sự giám sát chặt chẻ của GV để đảm bảo hoạt động có hiệu quả, cùng nhau giải quyết một nhiệm vụ đòi hỏi phát huy tài năng của mỗi cá nhân.
- 10. Tăng cường phụ đạo HS yếu kém để nâng cao chất lượng:
Ban giám hiệu đã lấy ngày chủ nhật để giáo viên các khối lớp bồi dưỡng HS yếu kém về ba môn văn, toán, anh văn. Tôi được phân công bồi dưỡng môn toán khối 9, là những lớp tôi đang dạy trên lớp. Đó là cơ hội thuận lợi cho tôi, giúp tôi gần gũi, quan tâm và tìm hiểu HS hơn. Tôi đã phân nhóm các HS không thuộc cửu chương sẽ học lại, tôi sẽ kiểm tra ở tuần sau. Các tuần đầu, tôi đã ôn lại cho các em về cộng, trừ, nhân, chia các số tự nhiên. Sau đó, cho các em làm các phép tính về cộng, trừ, nhân, chia phân số, Phương pháp giải phương trình bậc nhất… Những kiến thức nào căn bản có liên quan đến lớp 9 tôi hướng dẫn và cho các em tự làm để lấy lại căn bản.
Ngoài ra, 15 phút đầu giờ, tôi thường xuyên xuống lớp để kiểm tra việc học bài, và làm bài của các em. Nếu có bài tập nào các em không làm được, tôi tận tình chỉ dẫn để giúp các em giải quyết khó khăn mà hứng thú học tập.
Ở mỗi lớp học, tôi dều phân công những học sinh khá giỏi sẽ giúp đỡ các em yếu những vấn đề mà các em còn chưa thông suốt.
Trong tiết học, tôi quan tâm đến các em nhiều hơn, thường xuyên nhắc nhỡ và gọi các em trả lời những câu hỏi dễ, để các em thấy tầm quan trọng của mình trong lớp, mà phấn đấu hơn trong học tập.
Những tiết luyện tập, tôi bỏ ra 5 phút để kể cho các em nghe những tấm gương hiếu học, những nhà toán học tài danh, hay là những tấm gương hiếu nghĩa đối với ông bà cha mẹ, để các em suy gẩm.
Đối với tôi việc tuyên dương, khen thưởng các em là rất quan trọng. Nên tôi đã đưa ra chỉ tiêu để các em phấn đấu.
Mỗi lớp có 1 phần thưởng HS nào có điểm trung bình môn cao nhất.
1 phần thưởng cho nhóm nào có tổng số điểm cao nhất
2 phần thưởng cho học sinh yếu, kém có nhiều tiến bộ.
Các phần thưởng này, được phát vào cuối học kì I, và cuối năm học
- 11. Kết quả:
Qua các biện pháp nêu trên, học sinh có chiều hướng tích cực hơn trong học tập. Kết quả HKI: 127/145 HS đạt trung bình môn từ 5,o trở lên chiếm tỉ lệ: 88,3%, còn lại có 17 /145HS đạt trung bình môn từ 3,5 đến 4,9 chiếm tỉ lệ: 11,7%
III. BÀI HỌC KINH NGHIỆM:
Qua một thời gian thực hiện tôi đã rút ra được bài học kinh nghiệm sau:
Để giúp học sinh có thái độ học tập tốt là một biện pháp cần thiết, nhưng phải tiến hành một thời gian dài chứ không phải một sớm một chiều, nhiệm vụ này rất khó khăn.
- Phải giúp HS từng bước lấy lại căn bản
- Giáo viên cần tác động đến tầm quan trọng của việc học, cần chọn hình thức và phương pháp dạy học theo định hướng đổi mới, phù hợp với mọi đối tượng HS.
- Giáo viên luôn động viên nhắc nhỡ, khích lệ tinh thần học tập của các em, giúp các em tháo gỡ những khó khăn, khen thưởng kịp thời những em có tiến bộ dù là rất nhỏ. Phải thương yêu học sinh, xem các em như con cái của mình.
- Sự kết hợp chặc chẻ giữa gia đình, nhà trường, giáo viên là yếu tố quan trọng không thể thiếu. Trong đó gia đình là nhân tố quan trọng nhất.
IV. KẾT THÚC VẤN ĐỀ:
Thái độ học tập của học sinh không phải là vấn đề riêng của HS, mà là vấn đề phức tạp của cả nhà trường, gia đình và xã hội. Đối với một số HS, niềm say mê học tập dường như không vận động nhưng nó vẫn tồn tại trong mỗi HS, chờ đợi được thúc đẩy, được tăng cường bởi người lớn – những người sẽ quan tâm, lắng nghe, thử thách và tin tưởng chúng. Những biện pháp nhằm thúc đẩy việc học tập của HS có liên quan mật thiết với nhau, nếu được tiến hành đồng bộ, vận dụng một cách khoa học, sát thực tiễn, sẽ khơi dậy được lòng tin vào khả năng thành công của học sinh, Giúp các em phát huy tối đa tiềm năng trong học tập. Giáo viên có nhiều cơ hội và trách nhiệm hơn để tìm hiểu những điều học sinh mong muốn hướng tới vì những lí do riêng của mình.
TT Thới Lai, ngày 15 tháng 03 năm 2012
Duyệt của Hội Đồng Khoa Học Người Viết
Trường THCS TT Thới Lai
Phạm Thị Thanh Hương