Đ |
ể giáo dục học sinh chưa ngoan thì vai trò của giáo viên chủ nhiệm là hết sức quan trọng, nó gần như quyết định đến kết quả giáo dục. theo tôi đối với người giáo viên chủ nhiệm cần phải rèn luyện đạt các yêu cầu sau:
- Giáo viên chủ nhiệm cần có một nhận thức đúng đắn và sâu sắc về vị trí, yêu cầu đối với chính bản thân mình và công việc. Không chỉ trang bị cho mình những kiến thức cần thiết cho việc giảng dạy, những vốn sống sâu sắc về con người, cuộc sống… người Giáo viên chủ nhiệm còn cần phải rèn luyện cho chính mình đạt những phẩm chất đạo đức có tính chuẩn mực để trên cơ sở đó, mới có thể nhắc nhở, uốn nắn học sinh.
- Cần nhận thức rõ, giáo dục một con người là một quá trình không có điểm cuối cùng. Đó là công việc kéo dài cả một đời người chứ không phải là chuyện của ngày một, ngày hai. Vì thế, người Giáo viên chủ nhiệm không bao giờ được chủ quan, nóng vội. Một câu nói vô tình, một trách phạt nôn nóng, một hành xử thiếu cân nhắc đôi khi gây tổn thương và - biết đâu đó - các em sẽ mang theo vết thương kia thành một ám ảnh khôn nguôi!... Trước mọi sai lầm, vi phạm của học sinh, Giáo viên chủ nhiệm cần hết sức bình tĩnh, bao dung và độ lượng để xem xét, giải quyết, xử lý vấn đề.
Với một học sinh lười, một học sinh chưa ngoan… chúng ta không nên ảo tưởng là các em sẽ tiến bộ ngay sau vài lần nhắc nhở hay xử phạt của Giáo viên chủ nhiệm. Có khi, các em vẫn tiếp tục lười, tiếp tục phạm lỗi lầm với mức độ liên tục hơn, nghiêm trọng hơn - như một cách thách thức, một cách khẳng định mình với bạn bè, với thầy cô, với mọi người.
- Một trong những kỹ năng quan trọng của người Giáo viên chủ nhiệm là nắm vững tâm lý học sinh. Ở hầu hết các lớp học đều có nhiều vấn đề cần suy nghĩ. Các em học sinh THCS đang ở lứa tuổi còn nhiều biến đổi tâm sinh lý. Không còn là trẻ con để cần được vỗ về chăm sóc, nhưng cũng chưa là người lớn để tự mình giải quyết mọi tình huống.
Để khẳng định mình, các em dễ có những hành xử bộc phát, bất ngờ mà chính các em cũng chưa ý thức một cách đầy đủ hậu quả. Vì vậy, một sự định hướng đúng đắn để giúp các em hình thành tính cách của mình sau này, là điều hết sức quan trọng khi các em còn ngồi trên ghế nhà trường. Không chỉ truyền đạt kiến thức trong học tập, các em cần được trao đổi mọi điều về chính bản thân, về những giá trị chân - thiện - mỹ trong cuộc sống.
|
|
Tuy nhiên, vẫn còn nhiều Giáo viên chủ nhiệm kêu than bây giờ làm công tác chủ nhiệm lớp không dễ chút nào, điều đó là có căn cứ. Nếu trước đây học sinh rất hiền, chăm ngoan, luôn nghe lời thầy cô thì bây giờ có nhiều em ngỗ ngược, luôn muốn tự khẳng định mình. Tuy nhiên, một Giáo viên chủ nhiệm muốn hoàn thành tốt nhiệm vụ của mình trước hết phải thực sự thương yêu học sinh, coi các em như người thân của mình. Khi đã có tình thương thì người thầy sẽ hiểu và biết cách dạy học sinh, ngược lại các em quý mến giáo viên của mình hơn. Chỉ khi tình yêu thương đặt đúng chỗ, học sinh mới cảm nhận được tình cảm từ trái tim thầy cô. Nói cách khác, giữa thầy và trò luôn có sự đồng điệu về tâm hồn.
Tại sao cùng một học sinh cá biệt nhưng đối với thầy cô này thì em chống đối còn với thầy cô khác lại phục tùng và nghe lời? Rõ ràng, điều quan trọng không phải là học sinh đã phạm lỗi ra sao mà nằm ở chỗ các em đã nhìn thấy lỗi của mình như thế nào? Làm được điều này chính là nhờ sự thu phục nhân tâm của Giáo viên chủ nhiệm. Ngoài cá tính của từng em, phải nói thật rằng có nhiều học sinh nổi loạn là do… thầy. Thầy làm sai, phân biệt đối xử với trò thì lời nói trước lớp khó có trọng lượng. qua quá trình chủ nhiệm tôi rút được kinh nghiệm, học sinh bây giờ thích khuyên bảo nhẹ nhàng hơn là trách phạt.
Giáo viên chủ nhiệm có “quyền lực” trong tay nhưng không phải vì thế mà lúc nào cũng lạm dụng nó, phải biết khi nào cứng rắn và khi nào mềm dẻo để xử lý các tình huống. Vì thế, ngoài năng lực chuyên môn Giáo viên chủ nhiệm còn là một nhà tâm lý giỏi, hiểu thấu đáo những suy nghĩ, tâm tư của học trò. Nhiều lúc, Giáo viên chủ nhiệm phải tự đặt mình vào vị thế của học sinh để hiểu được hành vi và thái độ của các em với cương vị là người trong cuộc.
Để có thể giáo dục tốt các em học sinh chưa ngoan, cần phải có sự phối hợp cả gia đình, xã hội và nhà trường. Vai trò giáo dục của gia đình và xã hội giữ vị trí quan trọng, vai trò giáo dục của nhà trường mang yếu tố quyết định giúp các em có thể có những định hướng đúng đắn, để sau này trở thành những người con có ích cho xã hội, hiếu thảo trong gia đình và chính các em sẽ là tấm gương tốt cho các em học sinh khác mà người Thầy sẽ luôn lấy các em ra làm ví dụ khi giáo dục các học sinh khác.
Về phía nhà trường, để làm tốt công tác giáo dục học sinh chưa ngoan, cần phải có sự phối hợp đồng bộ giữa các bộ phận, giữa các Thầy Cô. Vai trò của Thầy Cô chủ nhiệm là rất quan trọng. Trong lớp, Thầy Cô chủ nhiệm như là cha mẹ của các em, có tiếng nói điều chỉnh kịp thời các hành vi chưa đúng của các em, là tấm gương cho các em noi theo.
Thầy Cô giáo dục các em không chỉ bằng lời nói mà bằng cả hành động, cử chỉ, thái độ, tác phong hàng ngày... Hãy cảm hóa, giáo dục các em bằng cả tấm lòng của người Thầy, người cha, người chị, người mẹ... Hãy nhìn các em với ánh mắt nhìn về tương lai, không nên dựa vào các hành vi nhất thời của các em mà đánh giá cả bản chất con người các em.
Học sinh chúng ta chỉ là những cành cây non, đang muốn vươn lên trở thành cành cây vững chắc, hãy tạo điều kiện cho các em thể hiện mình, vươn lên nơi có ánh sáng vững bền, hãy giáo dục các em bằng thái độ thân thiện và tích cực.