“Vì lợi ích mười năm thì phải trồng cây, vì lợi ích trăm năm thì phải trồng người.”
Hồ Chí Minh
T |
heo Bác, trồng cây ngoài ý nghĩa lớn lao là để cho môi trường tự nhiên, cho quang cảnh đất nước, đặc biệt là nông thôn sẽ trở nên xinh xắn và vui tươi, xứng đáng là nông thôn xã hội chủ nghĩa mà còn có một ý nghĩa thiết thực là để chuẩn bị lấy gỗ làm nhà cho nhân dân. Trên tinh thần đó, ngày 30/05/1959, với bút danh Trần Lực. Người viết bài: Nông dân phải trồng cây chuẩn bị làm nhà ở, đăng trên báo Nhân dân, số 1901, trong đó chỉ rõ: “Muốn làm cửa nhà tốt, phải ra sức trồng cây, chúng ta chuẩn bị từ nay, dăm năm sau sẽ bắt tay dựng nhà”. Nửa năm sau, cũng trên báo Nhân dân số 2082, ngày 28/11/1959, Chủ tịch Hồ Chí Minh viết bài Tết trồng cây và “đề nghị tổ chức một ngày Tết trồng cây” để thiết thực kỉ niệm ngày thành lập Đảng. Trong bài viết này, Bác nêu rõ tác dụng của việc trồng cây và công việc đó “tốn kém mà ích lợi nhiều”. Tuy nhiên, muốn cho việc trồng cây đạt kết quả tốt, phải có kê hoạch cụ thể, các “Bộ Nông lâm, các Ty Nông lâm và các đoàn thể cần phải ươm đủ giống cây; Uỷ ban hành chính các địa phương phải có kế hoạch trồng cây gì, trồng ở đâu, v.v..”.
Tiếp đó, Người viết về những đối tượng có thể tham gia vào phong trào “ích nước lợi nhà” này, đồng thời nhấn mạnh: “Tất cả nhân dân miền Bắc mỗi người phụ trách trồng một hoặc vài ba cây và săn sóc cho tốt”; “14 triệu người, trong số đó độ 3 triệu là trẻ em thơ ấu, còn 11 triệu người từ tám tuổi trở lên đều có thể trồng cây”, và “mỗi Tết trồng được độ 15 triệu cây”, thì trong mười năm “nước ta phong cảnh sẽ ngày càng tươi đẹp hơn, khí hậu sẽ điều hoà hơn, cây gỗ đầy đủ hơn. Điều đó góp phần quan trọng vào việc cải thiện đời sống của nhân dân ta”. Cuối cùng, Chủ tịch Hồ Chí Minh nêu rõ: Tết trồng cây “cũng là một cuộc thi đua dài hạn nhưng nhẹ nhàng mà tất cả mọi người – từ các phụ lão đến các em nhi đồng đều có thể tham gia”. Vì vậy, ý nghĩa của nó vô cùng thiết thực và lớn lao.
|
Năm sau, vào sáng 6/1/1960, Lời kêu gọi toàn dân hưởng ứng một tháng Tết trồng cây (6/1 – 6/2/1960) của Chủ tịch Hồ Chí Minh nhân dịp kỉ niệm 30 năm thành lập Đảng được đăng trên báo Nhân dân (số 2120) và nhiều tờ báo khác. Trong đó, Người kêu gọi mỗi người hãy trồng ít nhất một cây và phải chăm sóc cây cho tốt. Đợt trồng cây này gọi là Tết trồng cây và đây là Tết trồng cây đầu tiên do Chủ tịch Hồ Chí Minh phát động. Sau gần 3 tuần triển khai, trên khắp miền Bắc, đồng bào ta từ thành thị đến nông thôn đã nhiệt liệt hưởng ứng “Tết trồng cây” và phong trào đã thu được kết quả bước đầu. Không chỉ có vậy, Hồ Chí Minh không chỉ phát động Tết trồng cây, Người còn quan tâm theo dõi và kịp thời ghi nhận những thắng lợi đã đạt được của phong trào. Trong bài viết Tết trồng cây đã thắng lợi bước đầu đăng trên báo Nhân dân, số 2133 (ngày 19/01/1960), Chủ tịch Hồ Chí Minh nêu gương một số địa phương (Hà Nội, khu sông Nhuệ trồng được 12 vạn cây, Hà Nam 91 vạn cây, khu tự trị Thái Mèo định trồng 50 vạn cây, …) đã làm tốt công tác vận động nhân dân tham gia Tết trồng cây. Song từ nhận thức sâu sắc rằng, trồng cây đã khó, nhưng chăm sóc, bảo vệ để cây phát triển còn khó hơn nhiều, nên Bác coi đó mới chỉ “là thắng lợi bước đầu”. Cũng trong bài này, Bác yêu cầu Tết trồng cây phải liên hệ chặt chẽ với kế hoạch trồng cây gây rừng của Nhà nước, và không được chạy theo thành tích, đặc biệt là thành tích ảo; do đó “không nên lẫn lộn” số cây trồng dịp Tết với số cây của kế hoạch.
Cũng trong một bài viết khác về Tết trồng cây, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ ra những ưu và khuyết điểm trong việc tổ chức thực hiện trồng cây, đồng thời yêu cầu các địa phương: phải rút kinh nghiệm, phải hiểu rằng Tết trồng cây cũng là một kế hoạch kinh tế lâu dài và liên tục, do đó “phải có kế hoạch, có hướng dẫn, tìm thêm hạt, ươm thêm giống, …” phải làm đúng khẩu hiệu “trồng cây nào rào tốt cây ấy”.
|
Một năm sau ngày phát đông Tết trồng cây, sau khi nhấn mạnh lợi ích kinh tế thiết thực, lâu dài của nó, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nêu gương điển hình trong phong trào trồng cây (thôn Lạc Trung, tỉnh Vĩnh Phúc), đồng thời Người cũng nhắc nhở các địa phương không chỉ quan tâm đến việc trồng các loại cây trong khuôn khổ Tết trồng cây (như cây gỗ, cây lấy dầu, cây ăn quả, cây phong cảnh) mà còn phải có “kế hoạch trồng cây hai bên đường cái” để cho môi trường ở các làng, các thôn thêm xanh, thêm đẹp.
Khi đến thăm và nói chuyện với thanh niên tham gia trồng cây ở công viên Thống Nhất, Bác đã nói về ý nghĩa lớn lao của việc trồng cây xanh không chỉ có ý nghĩa thiết thực cho hiện tại, mà còn có ý nghĩa sâu sắc trong tương lai. Vì vậy, Người nhấn mạnh nếu mỗi cháu thanh niên trồng từ 1 đến 3 cây, chăm sóc thật tốt thì sau 5 năm, “đem 120 triệu cây ấy trồng trên đường nối liền Hà Nội – Mátxcơva thì con đường từ chủ nghĩa xã hội lên chủ nghĩa cộng sản càng thêm xanh tươi”.
Tháng 12/1961, sau hai Tết trồng cây, nhân dân ta đã trồng được “độ 10 triệu cây, cao từ 1 đến 2 thướt, cành rậm, lá tươi”, trong một bài viết nữa về Tết trồng cây (báo Nhân dân, ngày 30/12/1961), Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định, việc trồng cây đã đem lại lợi ích thiết thực và từ thực tế chúng ta đã “thu được nhiều kinh nghiệm tốt” như các cá nhân chăm chỉ chuyên cần trồng cây và chăm cây, có nơi tổ chức những tổ chuyên trách trồng cây, các em thiếu nhi có những đội bảo vệ cây và “yêu cây như yêu con”, các cụ già hăng hái lập thành những tổ chuyên trách trồng cây, …
Trong những năm sau đó, cứ mỗi dịp xuân về, tết đến, Chủ tịch Hồ Chí Minh thường dành thời gian trồng cây ở Hà Nội và các địa phương, đồng thời viết bài cổ vũ cho Tết trồng cây (báo Nhân dân ngày 27/01/1963, 05/02/1964, 01/01/1965, 05/02/1969). Trong những bài viết đó, Người nhấn mạnh: kết quả của phong trào trồng cây là do “chi bộ khéo lãnh đạo, do cán bộ đảng viên và đoàn viên thanh niên đều hăng hái xung phong”. Bên cạnh việc khen ngợi và nêu gương những điển hình tiên tiến về trồng cây và chăm sóc cây xanh ở các địa phương (Cụ Vũ Văn Lân ở Hưng Yên, cụ Nguyễn Nho ở Vinh Quang, Phú Thọ,… hợp tác xã Lạc Trung – Vĩnh Phúc, hợp tác xã Vĩnh Thành - Nghệ An, hợp tác xã Lê Hồng Phong – Hà Tĩnh,…), Chủ tịch Hồ Chí Minh đồng thời chỉ rõ những thiếu sót cần phải khắc phục (bệnh tham thành tích, trồng nhiều nhưng để cây chết). Người cũng yêu cầu các cấp, các địa phương lưu tâm đến công việc trồng cây, trồng liên tục, chăm sóc tốt để “biến đồi trọc thành vườn cây” , “xây dựng nông thôn mới”,lấy gỗ dùng “nhiều nhất cho hầm mỏ”, trồng cây nước mặn để giữ đê,… theo Người, trồng cây gây rừng có lợi ích to lớn cho kinh tế, quốc phòng và từ những “kết quả đo, thu nhập của các xã viên đã tăng khá nhiều”…
Trong những năm kháng chiến chống Mỹ và xây dựng miền Bắc XHCN, thật ý nghĩa và sâu sắc biết bao, khi người viết: “Tết trồng cây không những có ý nghĩa kinh tế, mà còn có ý nghĩa chính trị to lớn”. Bởi vì, “trong lúc bọn Mỹ Diệm dã man bỏ thuốc độc phá hại cây cối núi rừng ở miền nam, thì ở miền Bắc nhân dân ta thi đua trồng cây gây rừng. cũng một việc đó cũng đủ làm cho người ta so sánh giữa hai chế độ ta và địch, và nhận rõ sự tốt đẹp của chế độ ta” (bài Tết trồng cây đăng báo Nhân dân 27/1/1963). Không chỉ cổ vũ nhân dân hăng hái thi đua mỗi người làm việc bằng hai vì miền Nam ruột thịt, Chủ tịch Hồ Chí Minh còn khẳng định tinh thần và sự chi viện của hậu phương miền Bắc XHCN với tiền tuyến lớn miền Nam qua phong trào trông cây mỗi dịp đầu xuân: “Ta trồng cây cho cả đồng bào miền Nam nữa”. Tết trồng cây do Chủ tịch Hồ Chí Minh khởi xướng, đặc biệt quan tâm đã bước vào năm thứ tư. Như thường lệ, đón xuân này, Người viết bài cổ động cho Tết trồng cây đăng trên báo Nhân dân, số 3600, ngày 5/2/1964, với đầu đề là câu thơ với lời kêu gọi: Ngày xuân vui tết trồng cây/ Nơi nơi phấn khởi, người người thi đua.
Năm 1965, Người viết bài đăng báo Nhân dân số 3928, ngày 1/1/ 1965. trong bài viết này Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định chúng ta đang chuẩn bị xây dựng nông thôn mới, và việc đầu tiên phải làm là “ xây dựng nhà ở cho đàng hoàng”. Muốn vậy, thì phải đẩy mạnh Tết trồng cây và lấy gỗ, đồng thời nên “ra sức trồng cây để chống gió, cát, bảo vệ rừng, chống xói mòn”. Và cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước diễn ra ngày càng gay go, ác liệt, chiến tranh phá hại đã lan rộng ra miền Bắc, song “vượt qua bom đạn” của kẻ thù, phong trào trồng cây của nhân dân ta vẫn tiếp tục và những cây xanh do Chủ tịch Hồ Chí Minh trồng cùng nhân dân xã Cổ Loa, Đông Anh. Và xã Trần Phú, Từ Liêm, Hà Nội vẫn vươn lên xanh tốt.
Xuân Kỉ Dậu 1969, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết bài báo cuối cùng về Tết trồng cây, đăng báo nhân dân số 5411, 5/2/1969. Trong đó, Người kêu gọi: “ Năm nay, chúng ta thi đua trồng cây cho thật tốt, phải đảm bảo trồng cây nào tốt cây ấy”, tổ chức “ một Tết trồng cây quyết thắng giặc Mỹ xâm lược”. Ngày hôm sau, 6/2/1969, báo Nhân dân đăng tin Người thưởng huy hiệu cho những người có thành tích xuất sắc trong phong trào trồng cây gây rừng ở Ninh Bình, Lạng Sơn, Bắc Thái, Hà Tây, Hà Nội.
Đón xuân Tân Mão 2011, mừng thành công của Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI, mừng Đảng ta tròn 81 tuổi, lại nhớ về Chủ tịch Hồ Chí Minh, nhớ về những lời Người căn dặn trong những bài viết về Tết trồng cây và trong Di chúc về kế hoạch xây dựng lại thành phố, làng mạc, về bảo vệ môi trường sinh thái, càng thấy thấm thía hơn tầm nhìn của bậc vĩ nhân, tình thương yêu và sự quan tâm, chăm lo đến hạnh phúc cho
nhân dân của vị lãnh tụ Hồ Chí Minh.